Món ngon
đi từ ký ức

Nguyễn Duy Quyền

Bếp của bà

Mấy bữa mưa, chỉ muốn được quay lại gác bếp hồi còn ở chung với ngoại, bếp của người Nam bộ hay được bố trí sau nhà có chái bếp lợp lá, mấy cái cà ràng để trên kệ, phía dưới có hộc đựng củi khô chẻ từ mớ cây tạp nhạp quanh nhà, ít lá dừa khô chụm lửa, vài cái hộp quẹt ga, cây đũa cái bỏ trong lon sữa bò, ống thổi, mấy cái nòng treo trên vách. Những bữa mưa, thường gian bếp của ngoại luôn ấm cúng, ngồi ngó nồi khoai luộc, củi nổ lách tách trong bếp mà lòng ấm áp lạ lùng. Lát lát hơ hơ tay gần ngọn lửa, nghe mưa rơi độp trên mái, ễnh ương kéo những tràng dài như đòn cò. Mấy con ếch ộp oạp những tiếng kêu rời rạc. Mỡ hành cháy xèo trên chảo, củi ướt rịn ra mớ bọt xám ngoét đầy mùi nhựa cây. Với tôi mùi khói bếp, khói đốt đồng là mùi hương khó quên nhất.

Chỉ những ai đã từng trải qua cảnh mới hiểu hết lòng, để có mớ củi chụm, phải gom từ những cây khô, cây đốn, cưa thân, chẻ, rồi xếp nhà sàn cho nó khô trước nhà, mới đem vô chụm được. Tro bếp đầy cũng phải móc, nhưng móc sao cho khéo chừa lại để giữ nhiệt những lần nhóm lửa sau. Gánh nước, bửa củi, công chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng lúc làm mới thấy nó không đơn giản chút nào, hồi nhỏ cũng nhiều lần tự bửa củi, đâu có dễ dàng. Củi khô chất dưới gầm, cà ràng luôn ấm, mấy cái nòng treo trên vách, chùm hành lửng lơ trên đầu, tưởng chừng khung cảnh đó dễ kiếm nhưng ngày càng mất dạng, bởi người ta ngại khói bếp, ám vô đâu là đen ở đó, thứ rõ nhất là mấy cái nòng hồi nhỏ hay đánh bài quẹt lọ giữa những trưa hè không ngủ.

Món ngon đi từ ký ức… Gian bếp của những người bà (nội, ngoại) chưa khi nào ngưng tạo dấu ấn trong tôi, có khi nồi canh chua sôi, ở cá kho nghi ngút khói, hay nồi thịt kho lạt với cá rô đồng đương đượm mùi, mẻ bánh xèo mới đổ giòn rụm, nồi chè đậu đen mát lạnh giữa trưa, cái bánh cam vàng ươm nhìn đã thấy thèm, nồi chuối chưng bí rợ, nước cốt dừa béo ngậy… Nhắc tới đã thấy ứa nước bọt. Con người ta có bao lâu để nhớ? Mất bao lâu để quên? Với tôi, những ký ức gắn liền với tuổi thơ sẽ không bao giờ được cho vô miền quên lãng. Vì ở đó có những người mà tôi yêu thương, gian bếp nhỏ chưa bao giờ thôi ấm cúng.

Những mớ hình ảnh, âm thanh kiểu đó biết khi nào mới gặp lại? Bây giờ xài bếp hồng ngoại, nhà tường nên chái bếp lúc xưa trở thành hồi ức đẹp, khó quên, và dễ nghiện, hay xuất hiện trong những chiều mưa về tối. Để đứa cháu lạc đất Sài Gòn nhớ cảnh, nhớ người, bồi hồi ký ức quê nhà, những thứ chỉ còn tồn tại trong ký ức, nhưng chưa bao giờ thôi thúc những giấc mơ. Chắc có lẽ những thứ từ ký ức luôn đẹp, nên lâu lâu nghe mấy chị làm dâu dưới quê ngược về thành phố than vầy: Trời đất ơi nấu bếp củi nồi niêu đen thùi hà, chà hoài không sạch, mình mẩy mặt mày thì dính đầy lọ nghẹ, nóng nực gì đâu! Thổi không khéo tro bếp bay đầy mặt mắt mũi kèm nhèm, nhà cửa cũng đen thùi lùi bồ hóng, nấu nướng xong mình mẩy cũng tèm lem… Miệng cười mà nghe lòng đắng.

Bữa rồi về quê thăm nội, còn cái bếp củi phía sau nhà, bất giác hình ảnh xưa tràn về như nước lũ… Đắm lòng, đứa cháu ở xa quê.

Bánh trái xứ mình

Với những người con của miền Tây, cho dù đi tới đâu, ăn cao lương mỹ vị cỡ nào, sống nhà lầu, xe hơi, hay nghèo rớt mùng tơi xứ khác… thì những món bánh trưa hè thơm thảo luôn gắn liền ký ức.

Mùa gặt gạo lúa đầy bồ, sau một vụ mùa bội thu, thường người ta hay tụ họp, ăn mừng cho cái vụ mới trúng: Bánh xèo, bánh khọt, bánh cóng, bánh tôm… thơm lừng trên chảo. Mấy ông tát đìa, giở lọp bắt mớ cá, mấy con tôm cho mấy chế, mấy ý làm nhân, đổ bánh. Rau sống mọc quanh nhà, quơ tay là có nắm lá lụa, đọt xoài non, cóc non, cải bẹ xanh, càng cua cuốn bánh, chấm miếng nước mắm chua với trái chanh bẻ sau vườn, củ cải, cà rốt mới nhổ hồi sáng. Thảng giở lọp có con tôm thì trưa đó có bánh khọt nhân tôm đậu xanh ăn mà nghe béo nước cốt dừa, tôm ngọt vừa chín tới. Mớ tép đồng đặt chũm con bỏ xô đưa má miệng cười toe con biết kiếm ăn nuôi nguyên nhà. Bánh tôm má chiên cắn giòn rụm tan trong miệng, mùi mắm chua tỏi ớt còn nhớ rõ tới bây giờ. Hay mấy bữa mưa, má đào củ khoai mì ngoài vườn cà ra làm bánh cay, bánh khoai mì hấp, trời đất ơi cắn một miếng cay xé lưỡi mà mát lòng, bánh khoai mì mềm như tay má, vuốt đầu đứa con nhỏ đói lòng lại ham ăn, hốt cả nắm ăn từ từ không thôi chị Hai ăn hết… Những ký ức nghèo, khói cay xè mắt lúc chụm bếp, sao mà đẹp hoài trong trí nhớ trẻ thơ?

Mấy bữa nóng quá sông đứng gió, ngoại xay bột, bòng trong bao vải treo trên xà nhà chờ ráo hết nước đặng chiều làm bánh, biểu mình đi cắt mớ lá chuối róc cho bớt mủ, chiều chiều gói bánh cúng với nước cốt dừa ăn chơi, quỏn hơn nữa thì dì Út hấp bánh bò đường thốt nốt chấm muối mè đậu phộng ăn ngon đã đời. Hồi đó mấy món bánh ăn chơi mà có ký ức đẹp. Ba mươi Tết, ba má không dìa, cái Tết nhà ngoại buồn hiu. Sáng sớm lặt lá mai, cắt tàu lá chuối, hái mớ lá cẩm ngoài vườn giã ngâm nếp, đãi vỏ đậu xanh dưới mương nước đầy mà lòng cạn queo, mấy bà cháu ngồi gói bánh tét trong câm lặng. Đêm Giao thừa ngồi canh nồi bánh tét với ngoại, nhớ má, nhớ ba muốn khóc… Ngoại biểu con trai không có được khóc. Nước mắt chỉ dành cho đàn bà con gái. Đàn ông là phải như Từ Hải: Râu hùm hàm én mày ngài. Ôm lưng còng ngoại làu bàu: Con người ai mà hông có lúc buồn hả ngoại? Buồn thì nước mắt chảy ra thôi! Huống hồ gì con còn là em bé chứ có phải thanh niên đâu?

Tới giờ lớn đi xa quê, lâu lâu bắt gặp những món quê… lòng còn bồi hồi mùi khói bếp… Kỷ niệm không là khói, sao mắt lại cay xè? Mớ ký ức đó, là mảng vàng mà có dư giả tiền bạc thời này mua cũng đâu có được. Bởi lâu lâu bắt gặp mớ bánh trái quê nhà, là bần thần ngợp một trời trí nhớ, bánh xèo, bánh khọt giờ tự làm được, nước dừa có sẵn trong lon vậy mà vẫn nhớ cái bàn bào bằng sắt cũ ơi là cũ, cái cán gỗ lên nước bóng hới, đạp bàn chân nhỏ ngồi bào mà nghe gió liêu xiêu.

Trái bần

Giống chi toàn là giống đực
Thiếu tứ bề cam cực chung thân.
(Ca dao)

Sở dĩ bị kêu toàn giống đực là do bộ rễ mọc trồi lên từ mặt nước quanh gốc cây bần để hút dưỡng khí, người ta hay gọi là cặc bần. Hồi còn nhỏ ở với ngoại, ra ngõ, gần mé lạch toàn bần mọc hoang, lúc đó có thấy nó có nét đẹp như giờ đâu. Đúng là “xa thương gần thường”. Nhớ mùa này xách rổ ra hái một rổ bần nấu canh chua cá bống tượng, hay bần chín giằm chấm cá kho, hoặc bữa nào ngoại làm biếng đi chợ, giở hũ mắm sống ăn kèm với trái bần, cơm nguội hết nồi cơm còn chưa hay. Mùa dỡ lúa thì chuột đồng xào đọt bần ăn đã đời, thơm thảo gì đâu. Mùa mưa thì thôi, bông bần rụng kín mặt nước, nước rút dưới gốc bần, thòi lòi thi nhau đạp sình, con cái đen thùi, con đực xanh lè, lâu lâu câu lên kho khô ăn cũng ngon như cá kèo.

Thò tay hái trái bần chua
Nhớ bông điên điển nhớ mùa cá linh
Nhớ bông súng nổi dập dình
Nhớ mùi mắm sặc nhớ mình… tình ơi!
(Ví dầu… ăn trái bần chua… - Từ Ngọc)

Tui hay đặt lọp dưới gốc bần, sáng bữa sau dỡ lọp nhất định sẽ có cá ăn, hồi đó cái áo mặc thành màu cháo lòng, quần cụt nhăn nheo, mà lúc nào cũng cười hì hì. Miệt sông nước nên bước ra cửa là gặp kênh, lạch. Đi đâu cũng toàn là nước, dễ hiểu đi đâu cũng gặp cây bần. Nghe cái tên thôi cũng dân dã, thấy thương rồi! Sau này lớn, thèm mùi vị chua chát của trái bần kẹp miếng mắm sống, mà coi bộ khó.

Bởi mới nói ai cũng có những khoảng đẹp của ký ức mà không dễ chi tìm về được. Lớn lên, đọc nhiều mới biết bần nhà mình cũng có một cái tên kiêu sa có kém cạnh ai đâu: Thủy liễu. Nội câu chuyện về cái tên cũng nói lên lòng người Nam bộ rồi! Lam lũ, lội sình lội sông, nhưng trái lúc nào chín cũng thơm nức vùng trí nhớ.

Muốn ăn mắm sặc bần chua
Đợi mùa nước nổi tha hồ mà ăn.
(Ca dao)

Nếu có chuyến đi nào ngược về trí nhớ, thì cho tôi xin một vé đi tìm lại tuổi thơ.

Sắc màu cuộc sống

Hồi nhỏ, lúc đi học hay ăn đá bào si rô. Mỗi vắt đá bào có ba màu: đỏ, vàng, xanh lá cây. Lúc ấy trong mắt đứa học trò ba cái màu đó đẹp làm sao! Ăn hết rồi vẫn còn thèm thuồng muốn ăn thêm vắt nữa.

Bây giờ lớn đi làm, túi bụi tất bật với cuộc sống, không còn cảm giác dễ chịu như hồi đi học, mỗi lần nhìn mấy đứa học sinh bu ông bán đá bào là hình ảnh mình ngày xưa lại dìa!

Nghĩ lại thấy mình cũng đang thưởng thức đó chớ, nhưng hông phải là thưởng thức vị ngọt mát của đá bào mà là thưởng thức khối mầm cuộc sống với đủ mùi vị đắng, cay, ngọt, bùi được trang trí bởi những sắc màu thật hơn, đau hơn. Màu đỏ của công sức, mồ hôi đổ ra kiếm đồng tiền, có khi phải đánh đổi bằng cả danh dự và nước mắt. Màu vàng của những lần tuyệt vọng vì không thể làm những việc mình ao ước, những lần thất bại đau điếng trong tình cảm, và những ước muốn nằm ngoài khả năng… Màu xanh của những hy vọng, màu của những ước mơ muốn gửi gắm trong từng câu từng chữ của những gì đã viết.

Vắt si rô hồi đó bằng đá bào mát lạnh, cầm trên tay những trưa hè nắng đỏ cảm thấy khoan khoái dễ chịu bao nhiêu thì giờ cầm khối cuộc sống với những mảng màu nóng thấy khó chịu bấy nhiêu… Nhưng thiệt tiếc đứt ruột bị vì cái ngây ngô hồi đi học giờ hông còn nữa! Ước gì mãi nhìn cuộc sống bằng con mắt như hồi còn đi học, chẳng biết được những con người không nên biết, chẳng thấy được những thói hư tật xấu của những người không cần quan tâm, có lẽ mọi thứ sẽ đẹp hơn trong mắt.

Càng lớn con người ta càng phải suy nghĩ nhiều, càng có nhiều thứ để lo. Dị mới biết tiếc ngẩn tiếc ngơ cái thời chưa có những suy nghĩ dày đặc trong đầu. Cái ngày hông phải ngẩn ngơ mỗi lần đi chợ, hông biết bữa nay ăn cái gì? Tháng này có đủ tiền chi tiêu hay không? Tiền điện nước tháng này sao nhiều quá? Hồi nhỏ cũng hỏng cần nghĩ tới một ai đó nhiều nhiều một chút!

Lớn mần chỉ dị tròi? Lớn mần chi để có cái đầu hay suy nghĩ, để có cái óc hay liên tưởng, hông biết một ngày nào đó có còn thấy cuộc sống mang màu sắc đẹp đẽ như giờ hông? Hay sẽ thành một màu đen thùi lùi như nước cống?

Lớn mần chi để có con mắt hay để ý? Lớn mần chi để biết cuộc sống hông chỉ có một màu đẹp đẽ như mình nghĩ.

Hồi nhỏ cứ ao ước một ngày nào đó có thể tự quyết được mọi vấn đề hông cần trình lên người lớn. Nhưng giờ được tự quyết rồi mới thấy tiếc cảm giác được dạy, được răn đe, được la mắng… Thèm cảm giác được ai đó chửi cho một trận để ngồi cười ra nước mắt chơi? Dị mờ cũng hông bao giờ có được.

Hồi đó hay ngồi coi sách báo cọp trong nhà sách, mỗi lần muốn mua một cuốn sách nào đó là phải nhịn ăn sáng cả tháng mới đủ tiền mua. Giờ có đủ điều kiện mua bất cứ cuốn sách nào khi thích, nhưng sao lại nhớ cảm giác ngồi coi cọp hồi xưa dữ vậy, ta?

Hồi đó hông chịu nổi mấy cái sắc màu cuộc sống, có đôi khi gục ngã, lúc đó chỉ ước gì chẳng bao giờ mình lớn cứ nhỏ hoài. Nhưng sau này mới hiểu, mình hông lớn thì tụi con nít hỏng lớn theo được.

Nhiều lúc nhớ ngày xưa ghê lắm! Nhớ tất cả những gì thuộc về miệt vườn, nhớ những người già như ngoại, nhớ má, nhớ tía, nhớ Hai… Nhớ hết thảy những người đã làm nên một tuổi thơ tuyệt đẹp cho bản thân. Hồi đó đi cắt rau muống cho ngoại đem dìa cho heo ăn, đâu có hiểu sao ngoại khóc đâu! Giờ hiểu thì cũng muộn rồi! Ngoại giờ có còn đâu. Muốn nói cho ngoại thiệt nhiều những tình cảm cũng quá trễ… Mấy lần đi chạy xe đạp ôm mướn giấu ngoại (hồi đó thấy vui dễ sợ, tại còn nhỏ mù). Hông hiểu sao ngoại biết được giận mấy ngày, giờ mới hiểu cảm giác hồi đó của ngoại. Những vắt si rô hồi đó trong tay mát lạnh… Giờ những nắm mầm cuộc sống cũng đủ màu trên tay… Hy vọng sẽ có thể gieo nó thật tốt! Tốt như ngoại đã từng gieo trong lòng đứa cháu. Để sắc màu cuộc sống sẽ không chỉ là những gam màu tẻ nhạt, sẽ có những gam màu vui nhộn hơn. Sẽ mãi nhớ những sắc màu cuộc sống đã từng trải qua…

Mỗi chiều đi làm về lại tần ngần trước cổng trường trung học chết trân nhớ hồi xưa lơ xưa lắc khi tụi nhỏ xúm quanh xe đá bào. Những nụ cười giòn tan trên môi! Những vắt đá bào mát lạnh… Thấy mình vẫn còn nợ cuộc sống… Hờ hững với cuộc đời… Sẽ còn phải cố gắng.

Mưa và xe bánh mì của má

Tính ra mình rất thích mưa, từ hồi còn nhỏ chút xíu là mê mưa quá chừng. Mát gì đâu. Hồi đó cây dù kế bên xe bánh mì của má bự chảng má tự mua bạt về may cái lộng, cái chân sắt thì mua lại của người ta, may xong giăng trước xe bánh mì mới đóng. Sớm sớm đem patê, thịt nguội, thịt khìa, xá xíu tối qua má thức khuya làm, lò nướng than, dưa leo, ngò rí má mới mua hồi chợ sớm, cây dao Thái mổ bánh mì để lên xe. Cái xe nhỏ đó với mình là nhiều kỷ niệm nhất. Mỗi bữa sáng má đẩy xe ra trước, người ta xếp hàng mua bánh mì, tôi được giao nhiệm vụ cắt báo, buộc thun bỏ bọc nylon đưa cho khách, thu tiền. Chị Hai lớn hơn thì quét bơ, patê, đưa qua cho má bỏ thịt, dưa leo, rau thơm… Mỗi bữa cuối tuần của tôi lúc đó đơn sơ vậy mà hạnh phúc.

Nhất là nhìn công nhân bên khu chế xuất qua mua bánh mì của má xếp hàng gần chục mét. Má bán bánh mì đông khách cũng nhờ patê ngon, với bánh mì giòn, nhờ mấy cái lò than bỏ trong cái tủ. Sớm sớm ông giao bánh mì gõ vô cửa là biết mình có đồ ăn sáng. Lúc đó hay lấy bánh mì nóng chấm sữa Ông Thọ ăn quanh năm không biết ngán là gì. Bữa nào má bán được thì được ăn bánh mì cá mòi hiệu ba cô gái, hay cái trứng hột gà ốp-la. Ngon thì thôi! Nước sâm, bông cúc, trà bí đao má nấu vô chai sẵn bỏ thùng nước đá bán kèm bánh mì len lén uống mà sợ má bắt gặp. Đáng lý ra những ngày tháng đó cứ êm trôi… nếu không có những bữa sáng trời mưa không báo trước. Sáng sớm má đẩy xe ra cửa thấy mây đen thùi lùi trên đầu là nghe má thở dài, làm mình cũng không dám nhảy cà tưng thích thú (tại vì thích mưa). Ngồi coi xe bánh mì vắng khách cho má nấu cơm bán cơm phần buổi trưa, mùi bánh mì thơm, cà phê giảo của má, mùi bơ, patê còn nhớ hoài… Mấy bữa đó nhà toàn ăn cà pháo với canh rau đay, dưa mắm trộn. Con ăn khen ngon mà má day đầu chỗ khác, tiếng thở dài cố nén, vuốt thẳng mấy đồng bạc lẻ. Lâu lâu nhấc nồi cơm, lon sữa bò đụng đáy khạp gạo tự nhiên thấy mình như có lỗi.

Má sau một hồi quăng quật với nghề buôn bán cũng có mối khách quen, bán thêm bánh mì xíu mại, bánh mì heo quay, cơm phần cũng đông người ăn hơn… Cuộc sống mấy má con khá hơn trước, má có đồng ra đồng vô. Mình thì thỏa sức ngắm mưa bên xe bánh mì có mấy cái lò than ấm, lâu lâu mở cửa tủ hơ bàn tay lạnh, chà lên mặt. Mưa quất những giọt li ti như nước mắt lên lớp kiếng trên xe, khảm sâu vô trí nhớ. Cuộc sống cơ cực giúp con người ta không bao giờ từ bỏ ước mơ vươn lên nghịch cảnh. Bây giờ đã hơn 30 tuổi, nhiều lúc đi - về trên những chuyến xe tốc hành, nhìn qua lớp kính ướt nước mưa, thảng thấy xe bánh mì bên kia lộ… lòng bồi hồi cảm giác của ngày xưa. Nếu không có xe bánh mì của má, bây giờ không biết con sẽ ngồi đâu?

Khói và tích trà của ngoại

Hồi con nít, trong nhà lúc nào cũng có cái tích trà nóng như vầy trên bộ ngựa, thói quen từ ông ngoại nhiễm qua! Nhất là mấy bữa trời mưa, quơ tay bứt mấy cái bông lài ngoài hàng ba, là có ấm trà thơm lựng. Ngoại thích uống trà, như bao nhiêu người già hồi đó vẫn thích. Cỡ giờ này mà cây bông sói đầu hè trổ bông là ngoại ngồi nhâm nhi không biết nghĩ ngợi gì mà đăm chiêu kỳ lạ. Hồi đó chỉ có cái radio bắt nghe cải lương, tới mấy đoạn cao trào, chơi cò chẹp ngoài sân lén dòm dô hàng ba thấy mắt ngoại ướt ướt, không biết là do nước mắt hay khói un muỗi từ mớ xơ dừa làm cay mắt? Cuộc sống dân quê buồn tẻ lắm! Nhất là thời chưa có điện, cây đèn dầu tù mù trên bộ bàn ghế sáng mờ mờ, tới ếch còn than hoài huống chi ai? Mà ngặt buồn thì buồn thiệt, nhưng lòng dạ bao la… còn phố thị tấp nập người, nhiều khi cũng vô chừng hụt hẫng. Nằm trong phòng trọ quẹt diêm một buổi tối mưa, tự nhiên sao xe cộ đi đâu hết, người cũng không thấy chuyện trò, ễnh ương kêu ọp ẹp dưới miếng đất rộng bên hông nhà, tự nhiên thèm mùi quê cũ. Tiếng lách tách đèn dầu cháy, mùi khói un muỗi cay nồng mỗi đêm… sao um sùm một trời trí nhớ? Tính ra con người ta trong đời có nhiều thứ để nhớ đó chớ, nhất là những thứ gắn liền như máu mủ, buông ra rồi dễ gì quên nổi? Cho nên thảng bắt gặp những thứ hao hao là lòng có bao giờ thôi thổn thức. Mấy thứ đó y chang đặc sản của quê nhà, thứ đặc sản lâu lâu bắt gặp phố thị chen chân người: tích trà trong trái dừa của ngoại, khói củi đốt đám lá sân nhà, tiếng radio lẹt xẹt trên xe buýt phát mấy bài cải lương giờ lâu lắm mới thấy có người nghe, hay chiếc xe đầm ngoài bãi rác, đi ngang qua cũng thấy nao lòng.

Đời người ta là những chuyến đi, có khi không bao giờ dừng lại, cho nên bất chợt dừng ở đâu người ta sợ bắt gặp những hình bóng quê nhà, nhắc nhớ một thời người ta đã mất. Mà thứ gì đã mất có bao giờ ngưng tiếc nuối đâu? Cho nên người ta sợ, sợ đối đầu dĩ vãng, sợ quên, sợ tiếc, sợ đủ thứ hầm bà lằng mà ký ức mang lại. Vì lẽ đơn giản người ta đã đi quá xa nơi bắt đầu. Cho nên có nhớ cũng đâu quay lại được, thành ra nhiều khi người ta đổ thừa tại hồi đó quá trời cực khổ, hay quá trời buồn… Những lý do na ná vậy cứ tuôn ra hòng lấp chỗ cho khoảng trống trong lòng, những khoảng trống không gì bù đắp nổi. Khói luôn là đặc sản miền Tây trong lòng tôi, khói từ chái bếp hiên nhà, khói đốt đồng, hay khói thơm nồng mùi rơm rạ nướng con cá lóc quệt nước mũi đợi chờ, hay khói từ những bữa ngon má nấu, tất thảy tạo thành những ký ức chẳng tuổi tên, nhưng dai dẳng và không bao giờ phai nhạt, nhất là những khi trời gần sáng, tiếng gà gáy lấp lửng xa xa, mùi khói bếp rơi tận giường, sao mà ấm cúng! Bắt đầu ngày cũng là khói, lưng chừng ngày ra đồng cũng khói, tối cũng khói un muỗi cay xè… Dường như khói muốn người ta khóc để nhớ, để không thể quên những gì thuộc về mình.

Khói… tan biến lâu rồi! Mà cái đuôi quệt sâu vào ký ức, đánh dấu riêng lãnh thổ của chính mình, để sau này cho dù mất dạng người ta vẫn nhớ mùi nồng ấm đượm quê nhà!